Thứ Tư, 17 tháng 9, 2008

Học tập hiệu quả? Có khó chăng?!

08/09/2008
daudau.jpg
Teens trung học, đặc biệt là teens vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh đầu cấp để bước vào ngôi trường cấp III mơ ước có bao nhiêu mối bận tâm khi năm học mới bắt đầu. Làm quen với một môi trường học tập mới, trường mới, thầy cô, bạn bè mới, điều bạn cần bây giờ là một phương pháp học tập khoa học để không bị tụt lại đằng sau.
Lên một cấp, thêm một lớp đồng nghĩa với việc bài vở sẽ nhiều hơn và điều đầu tiên bạn có thể cảm nhận được rất rõ là luôn thiếu thời gian để hoàn tất mọi việc trong ngày. Học chính khóa, học thêm, bài tập về nhà, còn ngoại ngữ, vi tính và ti tỉ thứ khác… teens nhà mình chẳng khác gì ca sĩ chạy sô, mệt mỏi, stress . F5 lại mình bằng 6 bí quyết sau bạn nhé!

Lên kế hoạch hợp lí và thực hiện nghiêm túc

Bạn cần xác định rõ mục tiêu, mục tiêu càng rõ, kế hoạch càng chi tiết thì khả năng hoàn thành càng cao. Bạn nên lên kế hoạch cho từng tuần, thậm chí từng ngày để tránh không bỏ sót và dồn ứ công việc ngày này sang ngày khác.

Bạn nên chia công việc theo tính chất (quan trọng, ít quan trọng); mức độ (khó, dễ); thời gian (cần làm ngay, chưa cần làm ngay) để có sắp xếp phù hợp trong kế hoạch làm việc của mình. Việc quan trọng làm trước, ít quan trọng làm sau, gấp trước, chưa gấp sau.

Giấy nhớ cũng là trợ thủ đắc lực giúp bạn không quên dù việc nhở nhất trong một núi công việc. Ghi những công việc cần làm lên giấy nhớ, tô đậm thời hạn cần hoàn thành, dán chúng vào góc học tập của mình. Hoàn thành việc nào bạn xé ngay tờ giấy ghi công việc đó.

Biết đặt mục tiêu vừa sức cũng là một yếu tố quan trọng. Vạch ra những mục tiêu không thực tế chỉ khiến mình chuốc lấy thất bại mà thôi. Bạn nên đặt ra những mục tiêu khó nhưng có khả năng làm được. Và đừng quên tự thưởng cho mình mỗi khi hoàn thành kế hoạch nhé!
giaynho.jpg
Nhắc việc bằng giấy nhớ - đơn giản mà hiệu quả
Việc hôm nay không để ngày mai

Ôn lại kiến thức mỗi ngày là điều cần thiết. Bài tập của ngày hôm nay nhất thiết không nên để dồn đến ngày mai.

Sử dụng thời gian rỗi hay một công đôi việc

Nếu có thể, hãy nhẩm lại bài học khi bạn trên xe buýt đến trường, đọc to vài từ mới tiếng Anh khi bạn rửa bát hay quét nhà, tranh thủ đọc sách khi bạn phải chờ đợi ai đó. Đừng học cách giết thời gian, hãy học cách tận dụng nó từng phút một.
Nói không một cách dứt khoát

Tính cả nể sẽ phá tan những kế hoạch của bạn nếu bạn không biết học cách nói “không” một cách dứt khoát. Điều này đặc biệt quan trọng đối với teens 12 bới trước mắt các bạn là hai kỳ thi quan trọng. Bạn đã định hôm nay sẽ giái quyết nốt bài tập về nhà, chuẩn bị cho bài kiểm tra quan trọng vào ngày mai. Hãy tập nói không một cách dứt khoát với lời đề nghị tham gia một trận đá bóng, 1 buổi tụ tập buôn dưa lê, bán dưa chuột, với một bộ phim…

Không ai cấm bạn gặp gỡ bạn bè trong những ngày nghỉ chủ nhật mà, đúng không? Hãy luôn nghĩ đến những ưu tiên trong kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của bạn.
Lắng nghe cơ thể bạn

Không ai hiểu cơ thể của bạn hơn chính bạn. Bạn biết được lúc nào đầu óc mình tỉnh táo nhất, học tập hiệu quả nhất… Hãy ưu tiên thời gian đó cho việc học bạn nhé!

Bạn không nên cố thức khuya để hoàn thành tất cả công việc. Thiếu ngủ thường xuyên chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi và làm việc kém hiệu quả.

Bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về người tiều phu. Ngày đầu tiên, người tiều phu làm việc rất chăm chỉ, bác đốn được 10 cây gỗ. Điều này làm ông chủ rất hài lòng và khen ngợi bác tiều phu. Ngày thứ 2, thứ 3, bác chỉ đốn được 9 cây, 8 cây. Rồi ngày thứ 4, thứ 5… số cây đốn được cứ ít dần đi mặc dù bác vẫn làm việc rất chăm chỉ. Bác tiều phu đến gặp ông chủ, ông chủ hỏi bác: Đã bao lâu rồi bác chưa mài cây rìu của mình?

Bác tiều phu chỉ chú tâm vào chặt củi mà quên mài cái rìu của mình hàng ngày. Teens chúng mình nhiều khi cũng thế. Đôi khi bạn cần có thời gian để dừng lại và mài lại cái rìu của mình để sau đó làm việc, học tập hăng say và hiệu quả hơn.

Cho mọi người biết thời gian biểu của bạn

Cho bạn bè, người thân biết thời gian biểu của mình nghĩa là bạn đã tìm kiếm được đồng minh trong việc hỗ trợ hoàn thành kế hoạch. Nếu biết bạn có lịch học chiều nay, cô bạn thân cũng không dám rủ rê bạn shoping, ông anh hay bà chị yêu quý cũng không “nỡ” nhờ vả, sai bảo bạn điều gì đó.

Bạn cũng có thể nhờ bố mẹ giám sát việc thực thi kế hoạch của mình. Đảm bảo kế hoạch sẽ không bị đổ vỡ khi có những kiểm sát viên kỳ cựu như vậy. ^^!

Bây giờ bạn thấy thế nào? Có phải trong đầu bạn đã bắt đầu hình dung ra một kế hoạch học tập? Vậy còn chần chờ gì nữa, bỏ hết mọi lo lắng và bắt tay ngay vào việc thôi. Hocmai chúc bạn tự tin và thành công trong năm học mới này nhé!

Nguồn: Hocmai.vn

Teen và những cách học chết người !!!

15/09/2008
docsach.jpg
Trong học tập, mỗi chúng ta có nhiều cách khác nhau để tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả nhất. Điều đó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Nhưng có một số kiểu học khiến bạn lầm tưởng là rất “hiệu quả” nhưng lại có thể gây ra hậu quả khó lường. Nhất là đối với những teen đang ở năm cuối cấp.

1. Học thuộc lòng kiểu “nhìn”

Có một bộ phận không nhỏ trong các bạn học sinh đang có thói quen học thuộc lòng bằng cách “nhìn”. Đặc biệt là những bạn trót lỡ quên học bài ở nhà, tranh thủ giờ nghỉ tiết hay giờ ra chơi để “nhìn qua” trước khi bước vào tiết học tiếp theo có môn trả bài. Bạn tập trung nhìn vào vở lâu một chút, bài học ngay lập tức được “in” vào trí nhớ trong vài phút và bạn yên tâm nghĩ rằng: ”Okay... Dễ quá! Chỉ mất vài phút thôi mà! “. Nhưng đó chỉ đơn giản là bạn “cảm giác” rằng mình đã thuộc.

Còn thực tế là khi lên trả bài cho thầy cô, hay khi kiểm tra giấy với khoảng thời gian ngắn ngủi, sự bất ổn về tâm lý sẽ khiến những con chữ những tưởng đã “in” vào đầu bạn bay đi đâu mất! Kiểu học này không những nguy hiểm đối với những môn học bài như Sử, Địa mà còn nguy hiểm đối với những môn tự nhiên như Toán, Lí với hàng mớ công thức đòi hỏi bạn phải “in sâu” trong đầu.

N.L (THPT.Y) nói: ”Mình cũng từng có thói quen học bằng cách nhìn qua bài môn sử trước giờ trả bài mỗi tiết. Khi đó rõ ràng là mình đã nhớ. Vậy mà khi lên trả bài thì mình lên lại không thể nhớ một cái gì…”.

Thế nên cách học này chỉ thực sự có hiệu quả khi bạn thật sự nắm vững kiến thức và đã “gạo” qua vài lần để đảm bảo rằng kiến thức cần học đã nằm hoàn toàn trong đầu bạn.

Vì vậy, hãy dành thời gian hợp lý cho những thứ được tick dấu “cần học thuộc lòng”. Và chỉ thực sự gọi là thuộc khi bạn đóng tập lại, lấy một tờ giấy trắng và bạn có thể tóm ý một cách rành mạch tất cả những gì bạn đã học.
tranh_thu.jpg
Tranh thủ ôn bài trước giờ đến lớp
2. Học nhờ “thuốc hỗ trợ”

K.T (THPT.Y) có sức học chỉ thuộc loại khá nhưng cô bạn lại là niềm tin và hi vọng của ba mẹ. Vì thế K.T ngoài áp lực lớn trong học tập, cô bạn phải gánh chịu thêm áp lực “vô hình” từ họ hàng. Có lẽ vì tâm lý nặng nề đã khiến cho K.T hay cảm thấy đau đầu và “học bài khó vào” mỗi khi ngồi vào bàn học, tệ nhất là đối với môn Sử - một môn đòi hỏi phải nhớ những con số, ngày tháng.

Giải pháp mà mẹ K.T đưa ra là cho cô bạn uống một loại “thuốc bổ nhập từ Mỹ”. Tác dụng của nó khiến cho K.T mỗi khi uống xong thì “học bài dễ như bỡn” nên cô bạn cảm thấy rất phấn chấn vì nghĩ mình không còn gặp khó khăn với môn học bài nữa dù giá của mỗi lọ thuốc vượt lên đến tới 6 chữ số.

Một thời gian dài sau đó, K.T dần ”nghiện” loại thuốc này. Không uống, cô bạn cảm thấy đau đầu dữ dội hơn trước khi dùng thuốc. Và cứ trước giờ học bài, K.T lại phải nhờ đến thuốc để có thể “học bài vào”. Việc lạm dụng này khiến cho K.T ngày càng phụ thuộc hoàn toàn vào lọ thuốc tưởng chừng như “thần dược” kia...

Nguyên nhân là do trong thành phần của thuốc có chứa một loại chất kích thích khiến não hoạt động hưng phấn trong một thời gian ngắn. Và nó hoàn toàn không phù hợp với một người hoàn toàn bình thường như K.T.

Nếu cảm thấy khó khăn trong việc học, hãy tìm đến thầy cô hay bạn bè để đề xuất cách học hiệu quả. Nếu có vấn đề về sức khỏe, hãy đề nghị bố mẹ dắt bạn tới một địa chỉ y tế uy tín. Và đừng nên lạm dụng bất kì một loại thuốc nào được cho là “giúp bạn học tốt hơn” nếu không biết rõ nguồn gốc hoặc không có hướng dẫn rõ ràng của bác sĩ.

3. Học kiểu “chỉ nghe là đủ!”

nhammat.jpg
Ảnh: Kiến thức là nền tảng lâu dài...
Cách học này thường xảy ra ở một số teen “lười chép bài” hoặc quá tự tin vào khả năng “nghe đâu hiểu đó” và “học thuộc ngay tại lớp” của mình. Và sẽ càng phổ biến hơn nếu thầy cô bộ môn là những người dễ tính, hiếm khi kiểm tra tập học sinh.

Chắc bạn hiểu tại sao thầy cô vẫn luôn yêu cầu bạn phải viết bài đầy đủ vào vở chứ? Vì đó là cách khiến cho sau này khi ôn tập hay quên, bạn có thể giở ra và xem lại.

T.P là một ví dụ. Anh bạn tuy có khả năng tiếp thu khá nhạy so với bạn cùng lớp nhưng lại rất lười chép lại bài vào vở. Kiểm tra 15 phút, bài của T.P lãnh ngay một con 2 dù ý chính của anh bạn hoàn toàn khớp với những bạn điểm 10 nhưng chỉ thiếu duy nhất một câu “lưu ý” nhỏ xíu.

Có thể khi nghe giảng bài trên lớp, bạn thông hiểu hết những gì thầy cô giảng. Kiến thức đó khá rộng nhưng bạn tự tin là mình “nắm được ý chính” mà quên rằng mình còn đang bỏ qua một số lặt vặt mà đôi khi cũng khá quan trọng mà bạn có thể “quên” nếu bạn không chép bài đầy đủ.

4. Kết

Dù cho là cách học nào thì cũng phải luôn đảm bảo tiêu chí ”Căn bản - Đầy đủ - Hiệu quả”. Kiến thức là nền tảng lâu dài chứ không phải chỉ là nhất thời nên bạn cần phải nắm cho sâu, cho kĩ để sau này có được một “nền tảng” vững chắc để có thể học cao hơn.

Vì vậy hãy luôn thận trọng, nghiêm túc và chu đáo trong học tập, đừng vì sự chủ quan hay những “hiệu quả” nhất thời mà làm ảnh hưởng đến kết quả của mình, bạn nhé!

Nguồn: Hocmai.vn